Cần quy hoạch nguồn tài nguyên cát

0
2129

Do buông lỏng quản lý của các địa phương nên tình trạng khai thác cát tràn lan đã kéo dài từ nhiều năm nay và do lợi nhuận quá cao đã dẫn đến một số đối tượng cát tặc, trong đó có cả các DN đã tận dụng triệt để những sơ hở của cơ chế chính sách Nhà nước để khai thác lậu cát. Vì vậy, cần phải có giải pháp tổng thể, giải quyết dứt điểm tình trạng lợi dụng khai thác cát tràn lan và không thể để diễn ra tình trạng khan hiếm cát như hiện nay làm ảnh hưởng lớn đến các công trình xây dựng.

“Khoán trắng” cho DN

Theo đánh giá của các địa phương có tình trạng khai thác cát thì hầu hết đã và đang để lại những hậu quả rất nặng nề như gây sạt lở đất, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự… bên cạnh đó do thiếu sự quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền và thậm chí có dấu hiệu bảo kê của một số cá nhân đã gây ra những lãng phí về tài nguyên thiên nhiên, thất thoát nguồn thu thuế cho ngân sách. Trong đó, có hai hình thức phổ biến nhất tại các địa phương là khai thác cát lậu (cát tặc) hoặc DN thực hiện theo kiểu nạo vét, tận thu tại các dự án được ký kết với cơ quan chức năng trong việc nạo vét tuyến luồng sông, hàng hải… Ở đây, khai thác cát lậu được hoạt động lén lút nhưng việc khai thác công khai và được cho là “hợp pháp” bằng những “hợp đồng nạo vét”. Tuy nhiên, liệu dưới những chiêu bài “hợp đồng nạo vét” đã được các DN tận dụng triệt để và khai thác lậu cát một cách công khai?

Một trong những điển hình của hình thức đó là sự ký kết giữa Cục Hàng hải Việt Nam với Cty CP Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước (Cty Hiệp Phước) đã được nhiều cơ quan báo chí đã thông tin. Theo đó, tháng 5/2016, Cục Hàng hải Việt Nam và Cty Hiệp Phước đã chính thức ký hợp đồng số 20/2016/HĐNV-XHH về việc thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải sông Đồng Nai đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Chỉ cần nhìn vào hợp đồng đã thấy được việc Cục Hàng hải Việt Nam đã “khoán trắng” cho DN thực hiện dự án và Cty Hiệp Phước có thể “ăn không” hàng trăm tỷ đồng (?). Theo hợp đồng, dự án được thực hiện từ năm 2016 đến hết quý II/2019, quy mô tổng chiều dài tuyến luồng là 28,5km; chiều dài tuyến luồng nạo vét khoảng 9km; tổng khối lượng nạo vét là 2.268.771m3, trong đó khối lượng cát sỏi là 1.136.654m3 và 1.132.117m3 bùn đất; tổng mức đầu tư dự án gần 25,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ cần đặt một phép tính đơn giản thì với lượng cát sỏi khai thác được và nhân với giá cát ở thời điểm cuối năm 2016 thì Cty Hiệp Phước đã có thể thu về khoảng gần 200 tỷ đồng. Trong khi đó, theo giải thích của một lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam thì việc thuê đơn vị khảo sát, đánh giá, lập dự toán thực hiện… đều do DN tự thực hiện, rồi trình Cục và Bộ GTVT duyệt. Đồng thời việc nạo vét, duy tu, bùn cát xử lý như thế nào DN tự chịu trách nhiệm; toàn bộ chi phí ấy làm sao đủ đảm bảo bù cho chi phí nạo vét để khỏi phải dùng nguồn ngân sách thực hiện.

Trách nhiệm người đứng đầu?

Vấn đề được đặt ra, đã có bao nhiêu cát tặc bị khai thác lậu và đưa đi đâu để tiêu thụ? Chẳng lẽ khi ở dưới sông được khai thác lậu, sau khi đưa vào bờ sang lại cho các bến bãi cát là cát lậu đã được “hóa kiếp” thành cát “sạch”. Liên quan đến thực trạng khai thác, vận chuyển cát trên tuyến sông Đồng Nai, trong một cuộc khảo sát thực địa của Tổng Cục cảnh sát tổ chức trên các tuyến sông Thị Vải, sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra 13 sà lan trở cát trên sông với khối lượng khoảng gần 20 nghìn m3 cát thì 100% đều không có giấy tờ vận chuyển, nguồn gốc cát hoặc có giấy tờ nhưng không hợp pháp.

Thực tế, với các hoạt động nạo vét thường xuyên và được coi là điểm “nóng” trên tuyến sông Đồng Nai thuộc luồng hàng hải từ cầu Đồng Nai hắt về phía hạ nguồn vùng giáp ranh giữa Đồng Nai và TP.HCM có cần thiết phải thực hiện các dự án nạo vét tận thu? Nói về cao độ của lòng sông Đồng Nai hiện tại thuộc lưu vực TP.HCM, một Phó giám đốc Cảng vụ TP.HCM đã khẳng định: “Hầu hết dọc trên tuyến này độ sâu đã đảm bảo cho tàu thuyền có trọng tải lớn theo quy định ra vào. Do đó, không cần thiết phải thực hiện các dự án nạo vét tận thu cát”.

Trước thực trạng về khai thác và sử dụng tài nguyên cát như hiện nay, một chuyên gia về VLXD cho rằng: Để tránh tình trạng lợi dụng chính sách nạo vét, tận thu cát và giảm bớt cát tặc, quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên cát thì cần phải có một quy hoạch tổng thể đánh giá khảo sát về trữ lượng, nhu cầu sử dụng từng khu vực cụ thể. Sau đó, cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ, ngành hoặc địa phương đó đứng ra lựa chọn DN để lập dự án, thực hiện chịu sự giám sát quản lý chặt chẽ về khối lượng, phương pháp khai thác, xử lý có hiệu quả. Về lâu dài, cần phải có chính sách hạn chế sử dụng cát xây dựng (cát xây trát, đổ bê tông) để san lấp và thay vào đó quy hoạch các khu chôn lấp rác thải xây dựng, sử dụng cát nhiễm mặn nạo vét để lấp trũng, phát triển sản xuất cát nghiền làm nguyên liệu thay thế… Như vậy, mới có thể quy trách nhiệm người đứng đầu ở những địa bàn để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép theo như nội dung chỉ đạo ngăn chặn ngay nạn “cát tặc” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here