Cân nhắc bài toán môi trường trong các dự án thép

0
2160

Công nghệ sản xuất gang, phôi thép, cán các sản phẩm thép phải qua nhiều công đoạn và sử dụng các loại nguyên nhiên liệu với khối lượng lớn như tài nguyên khoáng sản, hóa chất… Vì thế, để phát triển cũng như thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại ngành công nghiệp này luôn cần cân nhắc bài toán môi trường.

Chiến lược ngành và bảo vệ môi trường

Mỗi công đoạn trong quá trình sản xuất thép đều phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường nếu không qua xử lý. Tuy nhiên theo thống kê mới đây, hiện cả nước có trên 300 DN nhỏ và vừa sản xuất gang thép, song do đầu tư nhỏ lẻ nên hầu hết gây ô nhiễm môi trường. Do đó, mỗi DN trong ngành thép Việt Nam cần hành động tích cực nhằm đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường (BVMT).

Nguồn chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất gang thép gồm nước thải, khí và bụi thải, chất thải rắn. Trong đó, nước thải phát sinh từ 2 nguồn: Nước làm mát thiết bị và sản phẩm; Nước dùng để pha chế các loại hóa chất để tẩy, rửa kim loại, sơn mạ màu. Khi thải ra chúng có một số khoáng chất, dầu, mỡ dư thừa, cặn bụi, ô xít sắt và các kim loại nặng khác là tác nhân gây ô nhiễm…

Theo tính toán, trong các vùng luyện kim, khí quyển bị nhiễm bẩn chiếm tỷ lệ gần 60%. Ngoài ra, việc sản xuất thép còn sử dụng nhiều năng lượng như than, gas, điện, dầu và các chất phụ trợ như hợp kim, điện cực, khí trơ, vật liệu đầm lò. Đặc biệt, quá trình sản xuất gang thép đã tạo ra một lượng lớn các chất thải gây ô nhiễm môi trường với một lượng bụi lên tới hàng nghìn tấn/năm, thành phần chủ yếu là các ô xít kim loại và những loại ô xít khác (FeO, MnO, Al2O3, SiO2, CaO, MgO) và các loại khí thải chứa CO, CO2, SO2, NO2, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà trực tiếp là những công nhân làm việc trong nhà máy. Ngoài ra, ô nhiễm nhiệt, rung động, tiếng ồn cũng là những vấn đề ngành thép phải quan tâm.

Sản xuất gang thép thuộc ngành công nghiệp nặng, tiềm ẩn và chứa đựng các yếu tố độc hại.

Tư duy mới đối với ngành thép

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025. Theo đó, cùng với việc đánh giá khá khách quan và cụ thể về những hạn chế của thép Việt Nam trong công tác xây dựng kế hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch, việc cân đối được các nguồn lực để thực hiện dẫn đến việc thực hiện theo quy hoạch không hiệu quả…, Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy thép không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Điều này là cần thiết và cần hình thành một tư duy mới đối với ngành công nghiệp này.

Đó là, để nâng cao hiệu quả BVMT, ngành thép cần triển khai các giải pháp cho vấn đề này một cách đồng bộ như: Tiếp tục nâng cao nhận thức về BVMT, không phê duyệt những dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu, không đảm bảo điều kiện môi trường; Lựa chọn công nghệ, đầu tư chiều sâu và tăng cường nguồn tài chính cho nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực về hoạt động khai thác khoáng sản và BVMT. Và đã đến lúc cần tập trung phát triển công nghiệp tương đối hiện đại đi cùng thế giới, chẳng hạn đầu tư công nghệ sản xuất hợp kim cao cấp. Làm như vậy vừa giảm thiểu các tác động đến môi trường nhưng đồng thời lại làm tăng giá trị gia tăng.

Liên quan đến yếu tố thương mại, ngành thép cũng cần một tư duy mới. Việc áp dụng biện pháp tự vệ là một biện pháp rất tốt và đã được nhiều nước áp dụng để bảo vệ sản xuất cũng như bảo vệ cho người tiêu dùng. Nhưng thị trường trong nước đang có tình trạng nếu đưa ra thuế phòng vệ cho các mặt hàng mà không cân nhắc một cách kỹ càng sẽ làm thiệt hại đến người tiêu dùng. Đơn cử, sau quyết định của Bộ Công Thương áp thuế phòng vệ 23% đối với phôi thép và thép dài, ngay lập tức đã khiến giá thép trên thị trường biến động, tăng cao, xuất hiện hiện tượng găm hàng chờ tăng giá, qua đó kéo các vật liệu xây dựng khác.

Như vậy, phải tính đến thiệt hại của nền kinh tế. Có ý kiến cho rằng, không nên xây dựng hàng rào để bảo vệ nguồn sản xuất trong nước, bởi thế giới hiện nay đang chuyển dần sang nguồn tài nguyên tái tạo. Chúng ta đi bảo vệ một việc mà nếu mua ở nước ngoài còn rẻ hơn làm trong nước, như vậy có thể thấy đã đến lúc phải có tư duy mới. Không chỉ trong ngành thép mà các ngành công nghiệp khác khư khai thác than, dầu… Vì thế, cần hết sức quan tâm đến bài toán vĩ mô, phải cân đối lại và hướng tới mục đích cao nhất là người sử dụng. Và chỉ khi nào làm được điều này thì chúng ta mới đạt hiệu quả trong phát triển kinh tế gắn với BVMT.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here