TPHCM sẽ di dời hàng loạt cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng

0
2278

Đó là phương án quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng TPHCM đến năm 2020, định hướng 2030 được trình bày tại Sở Xây dựng TPHCM sáng 21-4-2017.

Theo đó, đến năm 2020, TPHCM sẽ hoàn tất việc di dời các nhà máy, trạm nghiền, trạm trộn xi măng ra ngoài thành phố; di dời các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không phù hợp quy hoạch vào khu công nghiệp hoặc đến những địa phương khác có quy hoạch phù hợp.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ nhiệm dự án, giá trị sản xuất ngành vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng rất thấp trong toàn ngành công nghiệp của thành phố, giảm từ 1% năm 2010 xuống còn 0,57% năm 2015. Trong giai đoạn 2011-2015, giá trị sản xuất của ngành gần như không tăng. Điều này cho thấy ngành công nghiệp sản xuất VLXD không phải là ngành có thế mạnh của thành phố.

Ngoài ra, nguồn tài nguyên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng của TPHCM hạn chế về chủng loại, phần lớn các mỏ khoáng sản có trữ lượng nhỏ, nhiều mỏ khoáng sản nằm trong khu dân cư, khu đô thị.

Do vậy, trong thời gian tới, TPHCM sẽ trở thành trung tâm giao dịch, trưng bày, triển lãm sản phẩm vật liệu xây dựng quy mô lớn thay vì tập trung sản xuất.

Đến năm 2020, các nhà máy, trạm nghiền xi măng sẽ phải di dời khỏi thành phố.

Trong giai đoạn từ nay đến 2020, thành phố sẽ hoàn tất di dời các nhà máy, trạm nghiền xi măng đến những địa phương có quy hoạch phù hợp, đồng thời di dời các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hoạt động không theo quy hoạch vào các khu công nghiệp hoặc sang địa phương khác. Hiện thành phố có 289 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chỉ 47 trong số này có địa điểm hoạt động phù hợp theo quy hoạch (nằm trong cụm công nghiệp, khu công nghiệp).

Tuy nhiên, bà Hà cho biết, thành phố có nhu cầu rất lớn đối với các loại vật liệu như đá, cát, vật liệu san lấp, vật liệu hoàn thiện… nhưng chưa sản xuất được.  Theo tính toán, đến năm 2020, thành phố sẽ thiếu 0, 295 triệu tấn xi măng, 2.800 triệu viên vật liệu xây, 25 triệu mét khối đá xây dựng, 20 triệu mét khối cát, 53 triệu mét vuông vật liệu ốp lát, 17-28 triệu mét khối vật liệu san lấp…

Trong thời gian tới, TPHCM cần hình thành các siêu thị, điểm cung ứng vật liệu xây dựng tập trung. Dự kiến đến năm 2020, toàn thành phố sẽ có 20 cảng với chức năng cảng tổng hợp hoặc chuyên dùng vật liệu xây dựng, sáu siêu thị vật liệu xây dựng… nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho toàn thành phố.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng thành phố cần tăng cường quản lý thị trường vật liệu xây dựng. Vài tuần trở lại đây, giá cát tăng đột biến khiến nhiều chủ đầu tư và người dân điêu đứng, hoặc thời điểm năm 2008 và 2011, có hiện tượng đầu cơ thép, khiến giá thép tăng từ 8.000 đồng/kg lên 24.000/kg.

Ông Ngô Minh Lãng, Phó tổng giám đốc Công ty Xi măng Hà Tiên 1, cho rằng vận chuyển xi măng từ Bắc vào TPHCM rất tốn kém so với tự sản xuất. Hiện các nhà máy, trạm nghiền xi măng được hoạt động phải đảm bảo yêu cầu về môi trường, nồng độ bụi xi măng trong khí thải, tiêu hao điện năng dưới 36 kwh/tấn…, Do vậy, nên xem xét lại việc di dời các trạm nghiền ra khỏi thành phố.

“Mỗi tấn xi măng được vận chuyển từ Bắc vào sẽ mất thêm khoảng 200.000 đồng, nhân với 4,.8 triệu tấn phân phối theo quy hoạch năm 2020 thì thành phố sẽ mất đi khoảng 1.000 tỉ đồng”, ông Lãng nói.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here