Cổ phiếu xi măng tăng trưởng chậm

0
2253

Thời gian qua, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ngành xi măng (XM) thuộc nhóm cổ phiếu ít giao dịch, tăng trưởng chậm, không sôi động như nhiều nhóm cổ phiếu khác. Cuối năm, tiêu thụ xi măng tăng, liệu nhóm cổ phiếu này có tăng sức hấp dẫn?

Theo Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), ước thực hiện tháng 10/2016, tổng sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt 5,69 triệu tấn, xuất khẩu clinker và xi măng ước đạt 1,1 triệu tấn, đưa tổng sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa 10 tháng đầu năm lên 49,17 triệu tấn, bằng 107,8% so với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu clinker và xi măng ước đạt 12,95 triệu tấn, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng sản lượng tiêu thụ 10 tháng của năm 2016 là 62,12 triệu tấn, bằng 105,4% so với cùng kỳ, đạt 81,74% so với kế hoạch năm.
Cổ phiếu xi măng thuộc nhóm cổ phiếu tăng trưởng chậm. 
Mặc dù ngành xi măng có mức tăng trưởng khá, sản xuất kinh doanh cán đích kế hoạch đề ra nhưng thực tế cổ phiếu ngành xi măng không hấp dẫn các nhà đầu tư như kỳ vọng. Những cái tên khá nổi trên sàn chứng khoán của nhóm cổ phiếu này như HT1 (Vicem Hà Tiên 1), BCC (Vicem Bỉm Sơn)… nhưng mức tăng tương đối chậm, thậm chí còn giảm so với kỳ vọng.

Đơn cử như HT1, cuối tháng 10 giá đóng cửa 20,8 thì đến phiên giao dịch ngày 24/11 đóng cửa ở mức giá 22,6. So với tháng 10/2016, giá cổ phiếu HT1 tháng 11 có phần hấp dẫn các nhà đầu tư hơn dù mức tăng không cao như kỳ vọng.

Trái với sự tăng trưởng của HT1, BCC (Vicem Bỉm Sơn) lại có xu hướng quay đầu giảm. Tháng 10/2016, giá cổ phiếu này đóng cửa ở mức 15,3 thì đến 24/11, BCC đóng cửa ở mức 15,1. Vicem Bút Sơn (BBS) cũng ở ngưỡng tương tự như BCC khi mà kết thúc tháng 10 giá đóng cửa 14,5 thì đến cuối ngày 24/11 đóng cửa ở 14,4.

Mã cổ phiếu VTV của Cty CP Vicem Vật tư Vận tải Xi măng cũng giao dịch chậm. Kết thúc tháng 10, giá đóng cửa là 19,8 thì kết thúc phiên giao dịch ngày 24/11 đóng cửa ở mức giá 19,7.

Mức độ hấp dẫn của cổ phiếu xi măng không có sự đột biến, nói cách khác, cổ phiếu xi măng thuộc nhóm cổ phiếu tăng trưởng chậm. Vì sao nhóm cổ phiếu này lại tăng chậm và chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư? Theo các chuyên gia chứng khoán, chính sách giá không có sự linh động thích hợp, giá bán xi măng ổn định, không tăng, thị trường dư cung. Do vốn đầu tư lớn, hầu hết các doanh nghiệp xi măng phải đi vay, nhiều doanh nghiệp ở giai đoạn khấu hao, thời gian đầu tư dài và mức độ thu hồi vốn không nhanh cộng với chi phí lãi vay đã kéo thấp chỉ tiêu lợi nhuận… khiến cổ phiếu xi măng không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here