Gạch bùn – loại vật liệu xây dựng bền vững lâu đời đang được sử dụng phổ biến ở châu Phi, giúp giảm khủng hoảng về nhà ở trước thực trạng biến đổi khí hậu. Loại vật liệu này rẻ hơn thiếc và gỗ, giữ ấm trong thời tiết lạnh và mát mẻ trong thời tiết nóng.
Các vùng bán khô cằn ở châu Phi phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc giải quyết khủng hoảng nhà ở đang ngày càng tăng. Trong nhiều năm qua, người dân địa phương đã xây dựng nhà với mái bằng gỗ rừng nhưng do biến đổi khí hậu và nạn phá rừng mà phương pháp này không còn khả thi. Các tấm kim loại đòi hỏi chi phí cao không phù hợp với các gia đình ở nông thôn. Do đó, vật liệu xây dựng bền vững lâu đời là gạch bùn đã được sử dụng ở các khu vực này.
Trở lại năm 2000, người nông dân Burkina Faso, Seri Youlou và một người Pháp, Thomas Granier đã thành lập nên Hiệp hội được biết đến với tên gọi tiếng Pháp là Association La Voûte Nubienne (AVN). Hiệp hội này đã phục hồi lại kỹ thuật Nubian Vault hay kỹ thuật xây dựng các mái vòm bằng những viên gạch bùn, tương tự như quá trình đã được sử dụng từ hàng thế kỷ trước ở Ai Cập cổ đại.
Những viên gạch được tạo ra vô cùng đơn giản từ đất và nước, sau đó phơi khô trong ánh sáng mặt trời. Những ngôi nhà bằng mái vòm gạch bùn có tuổi đời ít nhất 50 năm và thậm chí lâu hơn nếu được duy trì tốt. Loại vật liệu này rẻ hơn thiếc và gỗ, giữ ấm trong thời tiết lạnh và mát mẻ trong thời tiết nóng.
Hiệp hội hoạt động vì sự phát triển kinh tế của địa phương, với việc đào tạo những người học việc và hỗ trợ xây dựng thôn bản ở nhiều nước Tây Phi. Hiệp hội đã huấn luyện hơn 380 thợ xây, giúp các hộ gia đình xây dựng được hơn 1.800 ngôi nhà trên khắp Burkina Faso, Ghana, Mali và Senegal.