Xây Dựng Á Châu – Đề xuất kế hoạch ứng phó dịch Covid-19 theo từng giai đoạn, từ khởi xướng đến quá trình phục hồi cho các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những thách thức lớn cho ngành bất động sản, làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Mới đây, tập đoàn tư vấn bất động sản JLL nhận định đại dịch có thể để lại hậu quả lâu dài và ảnh hưởng đến tình hình tương lai của doanh nghiệp bất động sản.
Chính vì vậy, đơn vị này đã xây dựng kế hoạch ứng phó với 4 giai đoạn dành cho các doanh nghiệp trên thị trường.
Đầu tiên, trong giai đoạn từ 1-2 tuần kể từ thời điểm này, các doanh nghiệp cần thành lập một nhóm phản ứng khẩn cấp và tìm ra giải pháp duy trì hoạt động kinh doanh, liên tục phân tích dữ liệu nghiên cứu các rủi ro ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Đồng thời cần chuẩn bị tài liệu hướng dẫn cho truyền thông, tối giản hóa quy trình đưa ra quyết định nhằm bắt kịp tình hình phức tạp
Nếu cần thiết, doanh nghiệp nên đóng chi nhánh, văn phòng ngay lập thức và triển khai kế hoạch làm việc từ xa. Bên cạnh đó vẫn tăng cường vệ sinh, khử trùng, thiết kế thông thoáng văn phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ở giai đoạn ngắn hạn từ 3 – 4 tuần sau đó, doanh nghiệp cần theo dõi và đánh giá tình hình liên tục, tăng cường công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa, tập trung quản lý vận hành ở các vị trí quan trọng và đảm bảo duy trì nguồn cung, cẩn trọng với lỗ hổng trong chuỗi cung ứng.
Trong giai đoạn trung hạn khéo dài từ 1 – 3 tháng, bên cạnh những hoạt động đã thực hiện từ trước đó, doanh nghiệp cần thận trọng hơn khi đưa ra những quyết định, giảm tương tác với khách hàng.
Với giai đoạn dài hạn từ 3 tháng trở lên, JLL cho rằng phương thức làm việc từ xa sẽ dẫn đến những thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp, nhu cầu ứng dụng công nghệ tăng cao giúp phát triển PropTech và MedTech tại nơi làm việc, doanh nghiệp thay đổi nhận thức về tính bền vững trong phát triển. Đối với thị trường, chuỗi cung ứng được đa dạng hóa, nhu cầu về các sản phẩm bất động sản an toàn, tốt cho sức khoẻ cũng có khả năng tăng lên.
Trao đổi với Xây Dựng Á Châu, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam nhận định từ cuối năm 2019, thị trường bất động sản nhà ở năm 2020 chưa có nhiều dấu hiệu đột phá và vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ việc nguồn cung suy giảm. Từ khi dịch bệnh bùng phát, thị trường khó khăn càng thêm khó khăn.
Các hoạt động quảng cáo, mở bán bị hoãn, hủy không thời hạn, nếu có thì chỉ được tổ chức với quy mô nhỏ lẻ, ít hiệu quả.
Khách hàng vào thời điểm này cũng rất thận trọng, thậm chí tạm dừng kế hoạch mua bất động sản. Lý do chủ yếu vì tài chính bị ảnh hưởng và sự phòng thủ, chờ đợi xem tình hình diễn biến ra sao trong thời gian sắp tới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng nhìn nhận thị trường như một người đi đường đang tạm nghỉ, tranh thủ “xốc” lại hành lý, tư trang.
Các chủ đầu tư phải điều chỉnh kế hoạch theo từng giai đoạn ngắn hạn. Một số doanh nghiệp đã điều chỉnh mục tiêu doanh số, hạ mức tăng trưởng, cắt giảm ngân sách chi tiêu, ứng dụng công nghệ vào nhiều hoạt động. Về dài hạn, nhiều đơn vị đã có sự thay đổi chiến lược và chuẩn bị nâng cao năng lực của mình.
Ông cũng cho rằng đây là thời điểm tốt để Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, rà soát lại các cơ chế để thay thế và sửa đổi những điểm không phù hợp, đồng thời đưa ra các biện pháp mạnh để nâng cao tính minh bạch, nghiêm minh của thị trường.
Đại diện DKRA nhận định nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài, thị trường sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng, nhiều hoạt động bị đình trệ.
Tuy nhiên, khi Covid-19 sớm được kiểm soát, các hoạt động của thị trường sẽ từng bước trở lại bình thường, dự kiến khoảng cuối quý II, đầu quý III/2020.