Mục tiêu cụ thể được Chính phủ đặt ra, đến năm 2020 phải xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích lũy (khoảng 75 triệu tấn, bao gồm 56 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện; 2,5 triệu tấn thạch cao FGD; 16,5 triệu tấn thạch cao PG), trong đó:
Lượng tro, xỉ nhiệt điện làm phụ gia khoáng cho sản xuất xi măng khoảng 14 triệu tấn; thay thế một phần sét để sản xuất clinker xi măng khoảng 8 triệu tấn; thay thế một phần sét để sản xuất gạch đất sét nung khoảng 7 triệu tấn; làm phụ gia khoáng cho sản xuất bê tông và gạch không nung khoảng 2 triệu tấn và làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình, hoàn nguyên mỏ và làm được giao thông khoảng 25 triệu tấn.
Lượng thạch cao FGD làm phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết cho xi măng khoảng 1,5 triệu tấn; làm nguyên liệu sản xuất tấm thạch cao xây dựng khoảng 1 triệu tấn.
Lượng thạch cao PG làm phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết cho xi măng khoảng 3 triệu tấn; làm nguyên liệu sản xuất tấm thạch cao xây dựng khoảng 1,5 triệu tấn; làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình, hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông khoảng 12 triệu tấn.
Một trong các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án là hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, trong đó, biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2018.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Cơ bản hoàn thiện các công nghệ xử lý và ứng dụng trước tháng 6/2019.
Nhà nước hỗ trợ ngân sách theo quy định; đồng thời khuyến khích các chủ cơ sở phát thải tham gia, hỗ trợ kinh phí để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất thử nghiệm đối với việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao PGD, thạch cao PG được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.
Các chủ cơ sở phát thải, chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng và các cơ quan chủ quản quản lý nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón có trách nhiệm lập đề án xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao trình Bộ Công Thương phê duyệt. Đảm bảo yêu cầu đến năm 2020 diện tích bãi thải không quá 2 năm sản xuất trung bình. Cụ thể, đối với các nhà máy đang hoạt động trình Đề án trước ngày 31/12/2018; đối với các dự án đang trong quá trình xây dựng, lập bổ sung và trình đề án trước khi đưa vào vận hành; đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, lập đề án và trình phê duyệt cùng với dự án đầu tư.
Các dự án đầu tư xử lý tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của nhà nước như đối với các dự án xử lý chất thải rắn theo quy định hiện hành; các sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước phục vụ cho dây chuyền thiết bị xử lý tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng được hưởng chính sách ưu đãi như đối với các dự án cơ khí trọng điểm.