Hiện nay tình trạng vi phạm trật tự xây dựng; công trình siêu mỏng, siêu méo đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn Thủ đô.
Không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, sự xuất hiện của những công trình này kéo theo hàng loạt hệ lụy đáng lo ngại.
Thủ đô Hà Nội đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ, hướng tới trở thành một đô thị thông minh, xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa chính trị; trái tim của cả nước. Để đạt được điều đó, Hà Nội đang tiếp tục cải tạo và mở rộng thêm nhiều tuyến đường.
Điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều nhà mỏng, méo tiếp tục mọc lên, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân ở trong những ngôi nhà này.
Tại tuyến đường Phạm Văn Đồng, nhiều ngôi nhà đã và đang trong quá trình thi công hoàn thiện với những hình thù kì dị với những góc nhọn “lạ mắt”; chiều cao phổ biến từ 5 – 6 tầng. Cá biệt có công trình xây dựng lên tới 7 tầng nằm ngay sát mặt đường.
Theo chia sẻ của một số người dân đang sinh sống tại đây cho biết, đất còn lại có thế muốn xây rộng hơn cũng chẳng được, không xây thì không có chỗ ở.
Nếu có chính sách hỗ trợ hay đền bù phù hợp thì chúng tôi cũng sẵn sàng chuyển đi chứ cũng chẳng muốn ở lại những ngôi nhà chật hẹp này, sinh hoạt hàng ngày rất bất tiện.
Không chỉ xuất hiện tại những tuyến đường mới mở; nhiều công trình siêu mỏng, siêu méo còn xuất hiện tại các khu vực vốn được quy hoạch để tạo cảnh quan đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân như tại Dự án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công viên hồ Ba Mẫu” thuộc quận Đống Đa.
Ghi nhận thực tế của PV, trái ngược với cảnh quan khang trang, sạch đẹp xung quanh hồ Ba Mẫu thuộc địa bàn phường Phương Liên và phường Trung Phụng (Q. Đống Đa); hiện nhiều công trình mỏng, méo; với những góc nhọn, góc tù xấu xí mọc lên chạy dọc tuyến đường ven hồ.
Trao đổi với PV, bác Lan một người dân sống tại khu vực này cho biết “Dự án cải tạo hồ Ba Mẫu khiến người dân phải chờ rất lâu, bây giờ khang trang lên một tý thì lại xuất hiện nhiều công trình méo mó chạy dọc đường ven hồ. Nhà cao, nhà méo, nhà quây tôn cứ mọc xem kẽ với nhau trông chẳng ra làm sao cả”.
Theo quy định, nếu phần diện tích đất còn lại nhỏ hơn 15m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng; nếu phần diện tích còn lại từ 15m2 đến nhỏ hơn 40m2 có chiều rộng mặt tiền từ 3m trở lên và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì được phép xây dựng không quá 2 tầng.
Những diện tích không đủ để xây dựng được hợp thửa, hợp khối lại với nhau để đủ điều kiện cấp phép. Chính quyền địa phương hướng dẫn người dân xây dựng kiểu kết hợp 2,3 nhà nhỏ lại với nhau để có hình thức như một nhà lớn, nhưng vẫn để cho các hộ sử dụng bình thường.
Tuy nhiên nếu các hộ dân không có được tiếng nói chung, việc hợp thửa, hợp khối không được thực hiện thì sự xuất hiện của những công trình siêu mỏng, siêu méo là điều khó tránh khỏi.
Tại phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND TP.Hà Nội khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng vào sáng 25/3/2019, qua theo dõi báo cáo cho thấy, tỷ lệ công trình có phép tăng qua từng năm: năm 2016 đạt 95,61%, năm 2017 đạt 95,61% và năm 2018 đạt 97,9%.
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng xuất hiện trên địa bàn Thủ đô: năm 2016 có 2.469 trường hợp; năm 2017 có 1.916 trường hợp và năm 2018 có 1.065 trường hợp.
Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết; về việc xử lý các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo trước năm 2018 (các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng tồn đọng cũ trước năm 2005) từ năm 2012 đến hết tháng 10/2017, các địa phương đã tập trung xử lý dứt điểm được 464/597 trường hợp; đến tháng 3/2019 xử lý thêm 27 trường hợp. Hiện còn tồn tại 105 trường hợp vẫn đang tiếp tục xử lý.
Đối với các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông mới (từ 2010 – 2017) đến nay còn tồn tại 42 trường hợp cần giải quyết .
Bên cạnh việc chỉ đạo tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng; năm 2018, trên địa bàn thành phố tiếp tục phát sinh 21 trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo nâng tổng số trường hợp phát sinh mới lên 63 trường hợp.
Vừa qua, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản yêu cầu tăng kiểm tra, giám sát trách nhiệm của đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, của UBND và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong quản lý trật tự xây dựng, trường hợp cần thiết, có thể tạm dừng công tác điều hành cho đến khi xử lý xong vi phạm.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ từ UBND TP.Hà Nội, dư luận đang rất kỳ vọng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng; những công trình siêu mỏng, siêu méo sẽ không còn xuất hiện trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới.